Võ Cổ Truyền Việt Nam: Di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam

Support Egany
Th 7 27/05/2023

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam. Võ cổ truyền Việt Nam là tên gọi chung cho các hệ phái võ thuật do người Việt Nam sáng tạo, bồi đắp, bảo lưu và truyền bá rộng rãi qua nhiều thế hệ trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Võ cổ truyền Việt Nam là võ trận với những kỹ thuật, chiến thuật, đòn, thế, bài quyền, binh khí đặc thù. Với những kỹ pháp ấy, người Việt Nam đã dùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, mở mang và bảo vệ đất nước trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam.

 Đại Võ sư Trương Văn Bảo.

Trước đây, Võ cổ truyền Việt Nam được dùng trong trận mạc. Đây là loại hình võ thuật chiến đấu bằng những kỹ thuật tay không, cận chiến và binh khí đặc thù. Những người tập luyện Võ cổ truyền Việt Nam sẽ giúp cho cơ thể trở thành vũ khí tự nhiên để đánh, đá, vật, khoá, bẻ… bằng tay, chân, khuỷu tay, đầu gối, vai, đầu, hông…

Võ cổ truyền Việt Nam phong phú, đa dạng. Các nguyên tắc cơ bản của Võ cổ truyền Việt Nam phản ánh phương pháp tích cực trong tinh thần:

Dĩ công vi thủ (tấn công để phòng thủ);

Đòn tay đánh ra đồng thời cũng là đòn tay ngăn chặn;

Đòn chân tấn công cũng dùng để phòng thủ;

Dĩ nhu chế cương (lấy mềm để thắng cứng);

Dĩ đoản chế trường (lấy ngắn để khống chế dài);

Dùng đòn tay để chống lại đòn tay;

Dùng đòn tay để chống lại đòn chân;

Dùng đòn chân để chống lại đòn tay;

Dùng đòn chân để chống lại đòn chân;

Dùng đòn chân để phá tấn (triệt mã);

Tay không chống lại binh khí;

Binh khí chống lại binh khí;

Thủ phản song hành (phòng thủ và phản công cùng một lúc).

Các nguyên tắc của Võ cổ truyền Việt Nam là "đạo đức đi trước, các kỹ thuật theo sau", có nghĩa là học võ đức trước, luyện tập võ thuật sau. Võ đức là tinh thần cao cả mà người học võ cần noi theo. Đạo đức quan trọng vì giúp con người hoàn thiện nhân cách của chính mình. Đạo đức là niềm tin, là hành vi nhận định được việc tốt, xấu trong hành xử, đó là việc nhận biết những gì nên làm và những gì không nên làm. Đạo đức chính là phẩm hạnh theo ta như bóng với hình.

Những người luyện tập Võ cổ truyền Việt Nam không phải để đánh bại người khác mà là để tự thắng chính bản thân mình. Nhân văn là cách tư duy về con người, lịch sử, giá trị, tư tưởng, lời nói và những ước mơ của chúng ta. Nhân văn truyền cảm hứng cho chúng ta để hỏi chúng ta là ai và những gì cuộc sống của chúng ta nên có ý nghĩa. Tinh thần thượng võ rất cần thiết và quan trọng đối với người nào đó muốn thấu hiểu và sở đắc về võ thuật. Tâm võ phải được phát triển cùng cơ thể.

Đại Võ sư Trương Văn Bảo – Đà Lạt

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết